THỜI CỦA THÁNH THẦN
Chia sẻ đến
Mã số sách:11004
Giá: 100,000
Lượt xem: 451
sach hay
ĐẶT MUA

Giới thiệu về nội dung:


“Cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần viết về một số gia đình làng quê châu thổ sông Hồng, được tác giả nuôi dưỡng trong âm hưởng sử thi của Nước Việt suốt nửa sau thế kỷ XX...”

                                                                                         Hoàng Minh Tường

 

THỜI CỦA THÁNH THẦN *

NUNG NẤU VÀ THÀNH CÔNG CỦA MỘT ĐỜI CẦM BÚT

 

                                                                    Vũ Nho

               

                Hoàng Minh Tường là người sớm đến với tiểu thuyết. Ngoài hai chục tuổi, khi những bạn viết đồng trang lứa  như Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện, Hồ Thuỷ Giang, Chu Hồng Hải… mới có vài ba truyện ngắn đăng báo thì Hoàng Minh Tường đã bắt tay vào tiểu thuyết Đầu sông, trích đăng vài chương trên Văn Nghệ Việt Bắc. Thế rồi tiểu thuyết đầu tay Đồng chiêm được xuất bản khi anh ba mươi mốt tuổi.  Rồi liên tiếp một loạt các tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường được xuất bản ( 11 cuốn với dung lượng hơn nửa vạn trang in). Đáng kể nhất là Những người ở khác cung đường, giải A văn học công nhân ( 1985-1990) và Thuỷ hoả đạo tặc, giải thưởng Hội nhà văn Việt nam ( 1997). Được mệnh danh là cây bút  của làng quê viết về nông thôn có hạng, nhưng Hoàng Minh Tường không chỉ có thể viết về nông dân. Anh viết về các chiến sĩ công an, về những người làm du lịch trong khách sạn, về những người làm giao thông, về những người dân chài…Với một sự kinh lịch của người làm báo viết phóng sự nổi tiếng, sự ý thức nghề nghiệp luôn tích luỹ, làm giàu vốn sống bằng cách trực tiếp và gián tiếp; và điều quan trọng nhất là suy ngẫm, chiêm nghiệm những gì  thấy được, nghe được và đọc được, Hoàng Minh Tường đã có một số lượng tác phẩm mà nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn phải thốt lên thán phục: “nhà văn có hiệu suất cao”. Nhưng văn chương đâu phải chỉ tính bằng số lượng? Ông bạn Nguyễn Khắc Trường của anh chỉ in mỗi tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma lập tức trở thành nhà văn nổi tiếng. Và rồi Hoàng Minh Tường cũng nung nấu phải viết một quyển tiểu thuyết để đời, viết xong là có thể nghỉ ngơi, có thể giã từ…ngòi bút. Chính vì thế sau khi in Ngư Phủ, Hoàng Minh Tường đã để hẳn gần bốn năm để thai nghén tiểu thuyết Thời của thánh thần với dự định dồn hết tâm lực của một đời cầm bút…


Thời của Thánh Thần viết về những số phận khác nhau của một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng. Bốn anh em trai Khôi, Vĩ, Vọng, Quặc ba  người con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, mỗi người đi mỗi ngả. Có người trở thành cán bộ lãnh đạo; có người là nhà thơ nhưng bị quy là theo nhóm Nhân văn, xét lại; có người  di cư vào Nam rồi di tản sang Mĩ; người ở nhà cày ruộng. Cùng với họ là những người đàn bà,  những người vợ, những mối tình sét đánh, éo le, ngang trái...Ba thế hệ của một gia đình, từ ông Lí Phúc, đến bốn người con trai của ông, rồi đến những đứa cháu của ông  đã vật vã trên  nửa thế kỉ của đất nước trong cơn gió bụi và cuộc bể dâu. Dòng xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ. Họ là những thân  phận, những nhân chứng của một thời chưa cách chúng ta xa.


 Cải cách ruộng đất; Đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống Xét lại; Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước; Hoà hợp dân tộc...những vấn đề cốt lõi ấy, được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này...


Đúng là  phải đợi  đến những năm cuối của tuổi  tri thiên mệnh, nhà văn Hoàng Minh Tường mới đủ từng trải, đủ độ chín, và cả đủ lòng dũng cảm nữa, để viết một tác phẩm coi như tổng kết đời viết của mình.


Cuộc Cải cách ruộng đất đã không ít lần được các nhà văn đề cập với những thành công và cả thất bại; với cái nhìn đúng đắn và cả lệch lạc.Vũ Bão với Sắp cưới, Ngô Ngọc Bội với ác mộng, Tô Hoài với Ba người khác, Trần Mạnh Hảo với Ly thân... Thời của Thánh Thần  thể hiện một cách nhìn khách quan, bình tĩnh với tư cách người từng được chứng kiến, và  người cũng đã chiêm nghiệm những cách tiếp cận khác nhau của các nhà văn đồng nghiệp. Sự oan sai trong quy kết, sự ấu trĩ trong cách nhìn nhận địch ta, những tình huống giở khóc giở cười trong việc giác ngộ và mớm lời đấu tố… số phận những người từng ủng hộ Việt Minh dưới lốt hợp tác với địch…được trình bày khúc chiết và thuyết phục. Việc đào xác Hội Thiện để chôn lại trong quan tài, cái chết không toàn thây của Lí Phúc, cuộc cắt chim Đội Tựu  là những sự kiện được miêu tả sống động, dữ dội. Các nhân vật Chiến Thắng Lợi, Cam, Hội Thiện, Lý Phúc, Cục là người  trong cuộc, là những chứng nhân lịch sử của một thời. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc soi rọi quá khứ, khép lại một  vết thương  của đất nước về Cải cách ruộng đất.


Cải cách ruộng đất mới chỉ là khúc dạo đầu để cho gia đình dòng họ Nguyễn Kỳ phân hoá và li tán. Nguyễn Kỳ Khôi tức Chiến Thắng Lợi trở thành cán bộ cốt cán của Cách mạng. Nhưng anh ta vẫn ở thế chông chênh vì cuộc tình vụng trộm giấu tổ chức có đứa con ngoài giá thú, vì cậu em Nguyễn Kì Vỹ thi sĩ của Cách mạng nhưng theo nhóm Nhân văn, vì cậu em khác Nguyễn Kì Vọng di cư vào Nam. Với số phận của Vỹ và Vọng, lần đầu tiên trong văn chương đương đại, sự kiện Nhân văn Giai phẩm và cuộc đấu tranh với bè lũ Xét lại hiện đại, cũng như cuộc vượt biển di tản của gần hai triệu người, được nhà văn đề cập đến với cái nhìn điềm tĩnh và xa xót.


Nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ    sự tập trung, hội tụ số phận  nhiều văn nghệ sỹ, trí thức bị oan sai một thời.  Nhà văn đã dựng lại nỗi khổ về vật chất, tinh thần, đặc biệt là nỗi đau tinh thần của người nhiệt tình, thành tâm theo Cách mạng nhưng bị nghi ngờ, bị gạt ra ngoài đội ngũ và bị quy cho là kẻ chống phá…Thực chất cái án mà Kì Vỹ phải chịu chính là vì đã dại dột phê bình một nhà thơ cách mạng cấp trên, và các bạn bè anh bị  chụp mũ vì “ đã dám mó dái cọp, dám phủ nhận, tranh đoạt ngôi vị của một đại công thần” ( lời nhân vật Đà Giang). Hoàng Minh Tường đã dựng lại sự bền bỉ, kiên trì của những con người muốn dùng ngòi bút cống hiến cho Cách mạng. Dù cho bị đối xử thiếu công bằng, họ vẫn kiên trì phụng sự cho dân tộc và đất nước. Trong thực tế, sau khi Đảng chủ trương đổi mới, hàng loạt những nhà văn nhóm Nhân văn giai phẩm đã được phục hồi và đã có thêm những cống hiến quan trọng.


Nhân vật Nguyễn Kì Vọng là hình ảnh tột cùng đau đớn, vô cùng đáng thương của bao người buộc phải  ly hương, buộc phải mang tiếng là vong bản...Vọng không phải là người xấu. Vọng  đi Nam chỉ là nông nổi, muốn được học hành thành người có ích. Những năm sống dưới chế độ nguỵ quyền, Vọng không ham chính trị, chỉ là một nhà chuyên môn. Tình yêu quê hương của người trí thức chân chính đã khiến Vọng khước từ việc di tản. Nhưng Vọng buộc phải ra đi vì không được tin dùng, không được cống hiến, ra đi trong tình trạng mạo hiểm, ra đi mà lòng vẫn không nguôi đau đáu hướng về quê hương.


Càng về cuối truyện, không chỉ có những xung đột tính cách, sự trớ trêu số phận của những anh em cùng một gia đình đi theo các ngả đường khác nhau, mà quyết liệt hơn là những đối nghịch về quan niệm sống, lý tưởng sống, về trách nhiệm công dân đối với Dân tộc, Đất nước của lớp con cái của họ, những Chiến Thống Nhất, Lê Kì Chu, Đinh Mạn... Họ suy nghĩ và hành động dựa trên thế của cha ông, nhưng khác với cha ông. Mấy anh   doanh nghiệp mới phất  nhờ thế lực của bố mẹ nói giọng đầy tự tin: “Thế mới biết anh em mình kiếm tiền dễ gấp mấy ở Mĩ. Vụ ô tô này mà trót lọt, cũng bằng chú Vọng kiếm cả đời…”.


 Viết về một thời kì lịch sử nửa thế kỉ của đất nước, Hoàng Minh Tường chỉ trình bày lại những nét lớn  với tình thần  suy ngẫm và đối thoại. Những sự kiện lịch sử vừa làm nền, làm bối cảnh, nhưng lại cũng vừa gắn bó máu thịt và chi phối trực tiếp số phận của những con người trong một gia đình, một giòng họ, những con người của một thời lắm chiến công nhưng cũng không ít những sai lầm xót xa, ấu trĩ. Nếu nhìn theo cách nhìn của một thời xa vắng, có thể sẽ có  phẫn nộ với những nổi loạn trong tính cách của lớp nhân vật trẻ như Lê Lỳ Chu, Chiến Thống Nhất, những phản biện quyết liệt của Nguyễn Kì Vọng, hoặc sẽ lên án cái gọi là “sự băng hoại lý tưởng”, “thoái hoá phẩm chất cách mạng” của những người từng có bề dày mấy chục tuổi Đảng, có vị trí cao trong guồng máy nhà nước như Chiến Thắng Lợi,  như  Đào Thị Cam, như nhà văn Châu Hà... Ngay cái việc viết về góc khuất một  nữ cán bộ Việt Minh  đi tu không trót, hoàn tục để làm Cách mạng, có hai người con  nhưng đã từng bỏ rơi một đứa ngay khi mới sinh, còn đứa khác thì giấu biệt lai lịch cũng là một sự táo bạo và bản lĩnh của nhà văn.


                Một điều cũng cần phải nói đến là sự chắc tay trong bố cục, sự nhuần nhuyễn trong hư cấu, sức hấp dẫn của cốt truyện đã tạo cho tiểu thuyết Thời của Thánh Thần một sự cuốn hút mạnh mẽ. Dù muốn hay không, trong thời buổi tràn lan kĩ thuật nghe nhìn, nếu một tiểu thuyết không lôi cuốn và hấp dẫn thì dù nhà văn có tâm huyết đến mấy cũng sẽ bị độc giả khước từ. Sau nhiều cuốn tiểu thuyết, Hoàng Minh Tường vẫn có thể làm cho người đọc ngạc nhiên về vốn hiểu biết  sâu rộng và những trang văn ngồn ngộn chi tiết, thấm đẫm tình cảm và vừa tươi tắn, vừa thâm trầm, vừa đủ mùi ái, ố, nộ, hỉ.

Gần một đời cầm bút với hàng chục tiểu thuyết, có những tác phẩm đã từng đoạt giải thưởng cao vừa là một thuận lợi vừa là một thử thách với nhà văn.  Thời của Thánh Thần  có thể coi là một bứt phá mới ngoạn mục của Hoàng Minh Tường. Kinh nghiệm, vốn sống, vốn hiểu biết và thái độ tập trung quyết liệt viết một cuốn tiểu thuyết để đời và  sự dũng cảm  khai thác những vùng  được coi là nhạy cảm, “cấm kị” bất thành văn…đã không  phụ lòng bạn đọc. Chắc chắn cuốn tiểu thuyết này sẽ được độc giả đón nhận nồng nhiệt.                                                                 

                                                               Hà Nội, tháng 7 và 8 năm 2008

-------------------------

*) Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Quý III-2008

 

 

THỜI CỦA THÁNH THẦN

CUỐN TIỂU THUYẾT SẼ GÂY NHIỀU TRANH CÃI

 

Phương Ngọc

 

     Cuốn tiểu thuyết thoạt đầu có tựa đề “Tốt sang sông”. Cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người trước khi mắc căn bệnh ung thư vòm họng hiểm nghèo (và qua đời một năm sau đó), từng ở chung căn phòng áp mái với Hoàng Minh Tường tại Nhà sáng tác Tam Đảo, tháng 9.2006, khi biết bạn đang đánh vật với cái laptop, để đưa từng “con Tốt” sang sông, liền bảo:


    - Ông viết trúng ý một bài thơ tôi viết cách đây mấy năm. Tôi chép lại tặng ông, nếu thích, ông có thể lấy làm đề từ cho tác phẩm này.

 

                                                                          Tốt sang sông

               Anh muốn xoá tất cả đi như xoá một bàn cờ

               Rồi kiên nhẫn bày lại từng con Tốt.

               Tốt chưa qua hà đâu, em ơi đừng nóng ruột

                                                  Rồi Tốt sẽ qua hà, rồi Tốt sẽ đi ngang.

 

Hoàng Minh Tường tỏ ra tâm đắc với bài thơ này. ông chọn thêm một câu trong “ Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân: “... Một con Tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con Xe rồi. ở đời không nên khinh thường cái gì. Con Tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế...”, để dành làm lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết của mình.


Khi bản thảo hoàn thành, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, người sẽ ký giấy thông hành cho cuốn tiểu thuyết  vào đời, là người đọc đầu tiên. Ông trầm ngâm một lát, rồi bảo:


- Phải cân nhắc lại cái tên sách. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng có cuốn tiểu thuyết hơn hai trăm trang, in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, với tựa đề “ Khi con tốt sang sông”...


Hoàng Minh Tường toá hết mồ hôi. Không thể lặp lại ý tưởng của người khác. Ông tin ở cái trí nhớ kỳ lạ của Nguyễn Khắc Trường. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo in từ đời tám hoánh, không mấy ai đọc, mà ông nhà văn ma xó này vẫn nhớ vanh vách.


Nguyễn Khắc Trường chép chép miệng, rồi thêm:


- Đặt tên cho cuốn sách, còn hơn cả tên khai sinh cho con mình, cực khó đấy. Truyện của ông lẽ ra phải đặt là “ Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”. Tiếc là các cụ Vichto Huygô và Alếcxan Tôlxtôi đã đặt mất rồi...


Trường nói và mở to mắt nhìn Tường tủm tỉm, rồi hai gã nhà văn thôn quê cùng cười hô hố, như tự thưởng cho mình những ý tưởng mà chỉ họ mới ngầm hiểu với nhau...


Phải tìm một cái tên mới, Hoàng Minh Tường tự nhủ. Đành gác ván bài “Tốt sang sông” lại. Cũng tiếc một cái tựa đề đắc ý. Tác phẩm mô tả hành trình của những người nông dân đi theo cách mạng. Họ là những nông dân khoác áo lính. Ví như những con Tốt trên bàn cờ thế cuộc. Chỉ có tiến, không có  lùi. Qua sông rồi thì được quyền vừa tiến vừa đi ngang. Cao cờ, Tốt có sức mạnh chẳng kém gì Xe, Pháo, Mã. Cao cờ nữa, Tốt có thể nhập cung bắt tuốt tuột Tướng, Sĩ, Tượng. Cuộc cách mạng tháng Tám, 1945 long trời lở đất đã đưa hàng triệu Tốt sang sông, trao cho mỗi con Tốt một sứ mạng Xe, Pháo, Mã. Và rồi họ đã hoàn thành cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ, tiến lên làm cách mạng Xã hội Chủ nghĩa...


 Sau một đêm trằn trọc, tảng sáng, tựa đề sách đã bật lên trong đầu nhà văn.


Thời của Thánh Thần, tên tập thơ đầu tay của nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, nhân vật chính trong tác phẩm, mà nhà văn đã dày công xây dựng, xứng đáng được chọn đặt tên cho cuốn tiểu thuyết.


Thời của Thánh Thần, cái thời tưởng như không có thật, cả dân tôc như cùng nhập đồng, cùng thăng hoa với lý tưởng. Lịch sử sẽ không thể nào lặp lại.Vô tiền khoáng hậu. Cái thời mà nhà thơ Tô Hữu từng tuyên ngôn : “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim...”, còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì reo vang: “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm...” Đó là hạnh phúc có thực. Là hào quang không thể chối cãi. Nhưng không ai có thể nhập đồng được mãi, không thể gồng mình quá lâu, diễn xướng quá dài... Bây giờ nhớ lại, nhiều người trong cuộc vẫn tưởng như  trong mơ. Như không tin rằng đất nước Việt Nam mình có những chớp sáng kỳ vĩ đến thế. Bởi, sau giấc mơ là đời thực, là miếng cơm manh áo, là ngôi nhà cố hương, mồ mả ông bà, là địa vị và quyền lực, là khát vọng của cái Tôi, là tự do và dân chủ... Tấm huân chương nào cũng có hai mặt...Mặt trái của tấm huân chương buộc ta phải điềm tĩnh nhìn nhận lại mình, nhìn ra nhân loại, nhìn tới mai sau...


Trong cái “ Thời của Thánh Thần ấy, gia đình của ông Cử Phúc, một gia đình nông dân có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng bỗng rơi vào một cơn địa chấn. Bốn anh em trai, ba con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, mỗi người đi mỗi ngả. Người kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp, trở thành cán bộ lãnh đạo, người là nhà thơ, người phát vãng, người ở nhà cày ruộng. Đồng hành với họ là những người đàn bà, những mối tình sét đánh, éo le, oan trái...Tất cả họ, không ai thoát khỏi những biến động, những sự kiện, những bước ngoặt lớn của đất nước. Dòng xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ. Họ là những tiêu bản, những hoá thạch của lịch sử mà qua đó nhà văn giúp người đọc hồi ức lại quá vãng...


Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gặp Hoàng Minh Tường tại triển lãm tranh của hai hoạ sỹ- nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khắc Phục và Trần Nhương trong Bảo tàng Mỹ thuật, không thể không biểu dương kịp thời:


- Tên tiểu thuyết hay lắm. Mình vừa ký kế hoạch đề nghị Cục Xuất bản cấp giấy phép in. Nhớ tham gia dự thi tiểu thuyết đấy nhé.


Hoàng Minh Tường xiết tay cám ơn Chủ tịch Hội, nhưng không tiện nói ra điều này: “Các bác để yên cho sách đến tay bạn đọc đã là quí hoá lắm.   Ai người ta mở cuộc thi cho những tiểu thuyết loại trung ngôn nghịch nhĩ thế này...”


Vâng. “Thời của Thánh Thần” sẽ là cuốn tiểu thuyết mà “các nhà kiểm duyệt” (bao gồm cả những độc giả với gu thẩm mỹ kiểu như ông Đặng Bửu mà báo Văn Nghệ những năm 1987, 1988 đã từng gặp), rất khó sực. Bởi độ đậm đặc của những vấn đề lâu nay bị cấm kỵ được đưa vào tác phẩm. Bởi sự quyết liệt của nhà văn khi bố cục, triển khai các đường dây, xây dựng ý tưởng tác phẩm. Các nhân vật đã bộc lộ tới tận cùng tính cách, đi tới kiệt cùng số phận. Nhà lý luận phê bình Vũ Nho rất có lý khi nhận xét: “Cải cách ruộng đất; Đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống Xét lại; Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước; Hoà hợp dân tộc...Những vấn đề cốt lõi ấy, được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này...”


Đúng là, phải đợi tròn một hoa giáp, vào tuổi 60, nhà văn Hoàng Minh Tường mới đủ độ chín, đủ từng trải, đủ đau đớn, dằn vặt, và cả đủ lòng dũng cảm để thắng mọi sự sợ hãi nữa, để viết một tác phẩm tổng kết đời văn của mình.


Tiếp nối những trang nhức nhối về nông thôn một thời mà các nhà văn đàn anh lớp trước đã đề cập (Vũ Bão với Sắp cưới, Ngô Ngọc Bội với Ác mộng, Tô Hoài với Ba người khác...), Thời của Thánh Thần chỉ chấm phá thêm đôi nét, nhưng cũng đủ để khép lại một giai đoạn văn học vết thương về Cải cách ruộng đất, mà sau này các tác giả khác không nhất thiết phải quay lại. Và, cùng với mạch cảm xúc bi thương ấy, lần đầu tiên trong văn chương đương đại, sự kiện Nhân văn Giai phẩm và cuộc đấu tranh với bè lũ Xét lại hiện đại, cũng như cuộc vượt biển di tản của gần hai triệu người, được nhà văn đề cập đến với cái nhìn điềm tĩnh và xa xót của một người có đủ độ lùi thời gian để phân tích, lý giải, đặng trả lại cho những nhân vật trong cuộc bức chân dung thật của họ. Nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ có bóng dáng bao nhiêu văn nghệ sỹ, trí thức bị oan sai một thời. Nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng là hình ảnh tột cùng đau đớn, vô cùng đáng thương của bao người ly hương, bao kẻ vong bản...


Càng về cuối truyện, không chỉ những xung đột tính cách, sự trớ trêu số phận, mà quyết liệt hơn là những đối nghịch về quan niệm sống, lý tưởng sống, về trách nhiệm công dân đối với Dân tộc, Đất nước... cùng cộng hưởng kéo độc giả vào cuộc, tham gia tranh cãi, phản biện.


 Những ai ít thích ứng trước những biến động có tính quy luật toàn cầu, hẳn sẽ phẫn nộ với những nổi loạn trong tính cách của lớp nhân vật trẻ như Lê Lỳ Chu, Chiến Thống Nhất, những phản biện quyết liệt của Nguyễn Kỳ Vọng, hoặc sẽ lên án cái gọi là “sự băng hoại lý tưởng”, “thoái hoá phẩm chất cách mạng” của những người từng có bề dày mấy chục tuổi Đảng, như bà Đào Thị Cam, như nhà văn cộng sản Châu Hà...


Chính độ mở của tiểu thuyết, thái độ nhập thế của tác giả, dám đối diện với những vùng khuất lấp, những mảng đời sống mà lâu nay nhiều người tự coi như vùng cấm kỵ bất khả tri... đã khiến Thời của Thánh Thần không bị rơi vào khuôn mẫu buồn tẻ, một chiều. Đây cũng chính là một bứt phá của Hoàng Minh Tường, kể từ sau hai tiểu thuyết gây tiếng vang Thuỷ HoảĐạo Tặc Đồng sau bão.


Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trong trường ca Văn đàn bi tráng sắp xuất bản, dường như đã có con mắt rất xanh, khi ông viết về Hoàng Minh Tường:


Hết Thuỷ Hoả lại đến hồi Đạo Tặc

                                          Đồng sau bão chỏng chơ những tượng đất Thánh Thần.
THÔNG TIN