Ôn thi tốt nghiệp THPT môn địa lý: Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi về Tây Nguyên
Chia sẻ đến

Mã số tài liệu: 3198
Đơn giá: 0
NHẤN VÀO ĐỂ TẢI

Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi về 7 vùng kinh tế ở nước ta

Chủ đề: Tây Nguyên

Câu 1. Phân tích thuận lợi và khó khăn để phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên. Sự phân bố một số cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên. Các giải pháp đẩy mạnh việc phát triển cây công nghiệp

1. Những thuận lợi và khó khăn chủ yếu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phát triển cây công nghiệp.

a. Thuận lợi.

- Đất đai:

+ Đất badan màu mỡ, có tầng phong hoá sâu, giàu chất dinh dưỡng.

+ Diện tích rộng, phân bố tập trung trên những mặt bằng rộng lớn, thuận lợi cho việc thành lập vùng chuyên canh quy mô lớn.

- Khí hậu:

+ Khí hậu có tính chất xích đạo với một mùa mưa và một mùa khô kéo dài, lại phân hoá theo độ cao. Ở độ cao 400-500m khí hậu khô nóng, trong đó nếu lên cao hơn 1000m, khí hậu lại mát mẻ. Vì vậy, ở đây có thể trồng cả các cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu) lẫn các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt đới (chè).

+ Có sự phân mùa của khí hậu. Mùa khô kéo dài (4-5 tháng) thuận lợi cho việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm.

b. Khó khăn:

- Mùa khô kéo dài, mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất.

- Đất đai bị xói mòn vào mùa mưa nếu lớp phủ rừng bị tàn phá.

2. Sự phân bố một số cây công nghiệp dài ngày chính ở Tây Nguyên.

a. Cà phê.

- Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất nước ta. Cây cà phê là cây quan trọng hàng đầu, chiếm khoảng ¾ diện tích cà phê của cả nước.

- Phân bố trên các vùng tương đối cao, khí hậu mát mẻ ở các tỉnh Gia Lai, KonTum, Lâm Đồng .

b. Chè.

- Phân bố chủ yếu ở các cao nguyên cao hơn gắn với điều kiện sinh thái của cây chè.

- Diện tích chè tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng và một phần ở Gia Lai. Chè búp được chế biến ở nhà máy chè B’lao (Lâm Đồng) và Biển Hồ (Gia Lai).

c. Cao su.

- Tây Nguyên là vùng trồng cây cao su lớn thứ 2 ở nước ta sau Đông Nam Bộ.

- Chủ yếu tập trung ở Gia Lai và Đắc Lắc.

Cà phê là thế mạnh của Tây Nguyên

Cà phê là thế mạnh của Tây Nguyên

3. Các giải pháp chính để đẩy mạnh việc phát triển các cây công nghiệp

a. Giải pháp về nguồn lao động.

- Tây Nguyên là vùng thưa dân, lực lượng lao động thiếu. Vì vậy, để phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp này, cần thu hút lao động từ các nơi khác tới, đặc biệt là lao động có trình độ.

- Sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo ra tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc.

b. Giải pháp về đầu tư.

- Đầu tư vào việc nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là mạng lưới giao thông).

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật (các cơ sở chế biến, hệ thống thuỷ lợi để tưới nước trong mùa khô).

c. Giải pháp về tổ chức, quản lí.

- Củng cố hệ thống các nông trường quốc doanh, tạo ra mô hình trồng và chế biến cây công nghiệp. 

- Phát triển mô hình trang trại, kinh tế vườn…

d. Các giải pháp khác.

- Thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. 

- Đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người sản xuất. 

- Chú ý đến hệ thống chính sách khuyến khích người lao động.

Câu 2. Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn ở nước ta. Giữa hai vùng này có sự khác biệt về cơ cấu cây công nghiệp thế nào? Vì sao?

Vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích lớn nhất cả nước.

Nó có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng. Một trong những thế mạnh của Trung du miền núi phía Bắc là phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý khác nhau nên cơ cấu cây công nghiệp của miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên có sự khác biệt.

1. Sự khác biệt về cơ cấu cây công nghiệp của 2 vùng:

a. Trung du và miền núi phía Bắc:

- Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội:

+ Diện tích: 100 965 km2 (2002), chiếm 30,7% diện tích cả nước.

+ Địa hình gồm núi và các cao nguyên hiểm trở, ít có mặt bằng rộng lớn.

+ Đất đai chủ yếu là đất feralit đỏ vàng phát triển trên nền đá sa diệp thạch, đất đỏ đá vôi.

+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh nhất nước ta, ngắn và không liên tục. Cuối mùa khô (tháng 1-2) có mưa phùn nên độ ẩm cao hơn nhiều tháng trong năm.

- Dân số 11,5 triệu người (2002) (14,4%). Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người, có một số kinh nghiệm, tập quán sản xuất cây công nghiệp. Đặc biệt, dân tộc Kinh chiếm đa số và là nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển kinh tế.

- Có một số ngành hỗ trợ như thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, cơ khí, luyện kim (Thái Nguyên), hoá chất, phân bón (Việt Trì – Lâm Thao), chế biến chè (Phú Thọ).

- Các cây công nghiệp chủ yếu:

+ Cây chè: Thích hợp trên đất feralit đỏ vàng phát triển trên nền đá diệp thạch, pH = 4, nhiệt độ 20-25 độ C. Chè được phân bố thành các vùng tập trung ở hầu hết các vùng đồi núi trung du và một số cao nguyên: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Mộc Châu, Hà Giang.

+ Các cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, trồng ở các thung lũng đất đỏ đá vôi ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài ra còn có đỗ tương, lạc.

b. Vùng Tây Nguyên:

- Đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội:

+ Diện tích: 54 475km2 (2002)

+ Địa hình bao gồm các cao nguyên phân tầng có độ cao trung bình 600-800m. Bề mặt cao nguyên tương đối bằng phẳng.

+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo (nhiệt đới núi cao), có một mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

+ Đất đai chủ yếu là đất đỏ badan, phân bố thành những mặt bằng rộng, thích hợp cho việc xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn.

- Dân cư, dân tộc:

+ 4,4 triệu người (2002).

+ Là địa bàn cư trú của một số dân tộc ít người. Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng có nhiều luồng di dân từ các vùng khác đến nên số người Kinh chiếm tỉ lệ khá lớn.

- Đã có một số đồn điền quy mô nhỏ và lớn, có các nông trường quốc doanh và các vùng kinh tế mới. Có cơ sở chế biến chè, cà phê, dâu tằm tơ.

- Các cây công nghiệp chủ yếu:

+ Cà phê thích hợp với đất đỏ badan, với nhiệt độ trung bình 25 độ C. Vùng cà phê tập trung ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Ngoài ra còn có ở Gia Lai, Lâm Đồng.

+ Cao su mới được trồng thực nghiệm sau ngày giải phóng (1975) và trồng chủ yếu sau 1980. Phân bố chủ yếu ở Gia Lai, Đắc Lắc.

+ Chè chủ yếu ở Tây Nam tỉnh Lâm Đồng thuộc cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao 600-800m.

+ Cây dâu tằm: Chủ yếu ở Tây Nam tỉnh Lâm Đồng. Vùng tập trung ở huyện Bảo Lộc.

+ Ngoài ra, ở Tây Nguyên còn trồng một số cây công nghiệp khác như bông, lạc, mía.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về cơ cấu cây công nghiệp của hai vùng là:

- Sự khác nhau về vị trí địa lí và từ đó dẫn đến sự không giống nhau về đặc điểm tự nhiên, trước hết là khí hậu, đất đai, và địa hình.

+ Vùng trung du miền núi phía Bắc có một mùa đông lạnh, đất feralit đỏ và có độ phì không cao lắm, ít mặt bằng rộng nên thường thích hợp với việc trồng chè theo quy mô lớn. Các cây khác có quy mô nhỏ trong cơ cấu công nghiệp của vùng.

+ Tây Nguyên có khí hậu nóng quanh năm, các cao nguyên có độ cao không lớn, khá bằng phẳng, lại được phủ đất badan màu mỡ thích hợp với việc trồng cây cà phê, cao su, dâu tằm trên quy mô lớn và tập trung theo từng khu vực.

- Sự khác nhau về đặc điểm, dân cư, xã hội, nhất là lịch sử khai thác, tập quán sản xuất, sinh hoạt của nhân dân ở 2 vùng này. Ở trung du miền núi phía Bắc, dân cư có kinh nghiệm trồng và chế biến chè từ lâu đời. Ở Tây Nguyên, người dân có kinh nghiệm trồng cà phê, cao su nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá.

Tây Nguyên là nơi có nền văn hóa độc đáo, phong phú

Tây Nguyên là nơi có nền văn hóa độc đáo, phong phú

Câu 3. Trình bày sự giống nhau và khác nhau về các thế mạnh và hạn chế đối với việc phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc. So sánh vùng Đông Bắc và Tây Bắc?

1. Sự giống nhau.

a. Các thế mạnh.

- Vị trí địa lý:

+ Có chung biên giới với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào), với các cửa khẩu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế.

+ Giáp với đồng bằng sông Hồng, giao lưu thuận tiên thông qua mạng lưới giao thông vận tải.

- Các thế mạnh về tự nhiên:

+ Tài nguyên thiên nhiên, nhìn chung phong phú, đa dạng nhưng việc khai thác còn nhiều hạn chế.

+ Địa hình chủ yếu là núi cao, núi trung bình cùng với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có một mùa đông lạnh thích hợp với việc phát triển cây trồng, vật nuôi cận nhiệt, ôn đới. Có nhiều đồng cỏ thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc.

+ Đất feralit các loại là cơ sở để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày. Ngoài ra, ở 2 vùng còn có một số cánh đồng (ở Đoan Hùng, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thất Khê thuộc Đông Bắc;; Mường Tanh, Than Uyên, Nghĩa Lộ.. ở Tây Bắc) để phát triển cây lương thưc,

+ Sông ngòi dốc, chảy xiết, có giá trị về thuỷ điện (sông Đà ở Tây Bắc, sông Chảy ở Đông Bắc…). Ngoài ra còn có nước nóng, nước khoáng tương đối phong phú, là tiền đề cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

+ Tài nguyen rừng tuy không còn nhiều, nhưng trong rừng có nhiều lâm sản và các loại gỗ quý.

+ Thế mạnh đặc biệt của cả 2 vùng là thế mạnh về khoáng sản. Có thể nói Đông Bắc và Tây Bắc là hai khu vực tập trung khoáng sản lớn nhất của nước ta với sự đa dạng về chủng loại, trong đó có một số loại có trữ lượng lớn.
- Các thế mạnh về kinh tế - xã hội:
+ Là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người với truyền thống sản xuất và nền văn hoá đa dạng, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch).
+ Đã hình thành một số cơ sở kinh tế lớn, có ý nghĩa không chỉ cho từng vùng, mà còn cho cả nước (thuỷ điện Hoà Bình ở Tây Bắc, các cơ sở khai khoáng, luyện kim và gia công kim loại ở Đông Bắc).

b. Các hạn chế.

- Về tự nhiên:

+ Địa hình hiểm trở, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cho việc đi lại, giao lưu nói riêng.

+ Có những hiện tượng thời tiết đặc biệt (sương muối…) ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

+ Sông ngòi có độ dốc lớn, đi lại khó khăn và gây lũ lụt vào mùa hè.

+ Tài nguyên thiên nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Rừng chỉ còn lại ít. Đất đai bị xói mòn.

- Về kinh tế - xã hội:

+ Dân cư thưa thớt, lực lượng lao động có kỹ thụât thiếu.

+ Trình độ phát triển nói chung và trình độ dân trí còn thấp.

+ Cơ sở hạ tầng (nhất là giao thông), cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế.

+ Đời sống, nhìn chung là thấp. Số hộ đói nghèo tương đối cao.

2. Sự khác nhau.

a. Các thế mạnh.

- Vị trí địa lí.

+ Đông Bắc:

. Phần phía Đông Nam của vùng nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc, với Quảng Ninh là một đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế.

. Giáp mọt vùng biển rộng, giàu tiềm năng (các ngành kinh tế biển) và các tỉnh năng động ở phía Nam Trung Quốc, giao lưu thuận tiện.

+ Tây Bắc:

. Không có biển, giáp Thượng Lào và Vân Nam (Trung Quốc).

. Giao lưu ít thuận lợi.

- Về tự nhiên:

+ Đông Bắc:

. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng hơn.

. Thế mạnh đặc biệt về khaóng sản, nhất là khoáng sản nhiên liệu (than đá ở Quảng Ninh, trữ lượng lớn, các mỏ than khác ở Nà Dương, Thái Nguyên) và phi kim loại (apatit ở Cam Đường), cát trắng, cao lanh…

. Thế mạnh về du lịch (đặc biệt là khu vực Hạ Long).

. Nhìn chung, các thế mạnh chủ yếu ở Đông Bắc là khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt, phát triển lâm nghiệp và du lịch.

+ Tây bắc:

. Thế mạnh về một số loại cây công nghiệp (chè, cà phê…), cây ăn quả ưa nhiệt (xoài..).

. Thế mạnh chăn nuôi đại gia súc với nhiều đồng cỏ tươi tốt trên các sơn nguyên, cao nguyên đá vôi.

. Nhìn chung, các thế mạnh chính ở Tây bắc là khai thác tiềm năng thuỷ điện, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc.

- Về kinh tế - xã hội:

+ Trình độ phát triển của Đông Bắc cao hơn so với Tây Bắc.

+ Ở Đông Bắc tập trung khá nhiều đô thị, trung tâm công nghiệp (Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, Bắc Giang…), trong khi đó ở Tây Bắc hầu như không có (trừ Hoà Bình)..

b. Các hạn chế.

Tây Bắc có nhiều hạn chế hơn Đông Bắc do địa hình quá hiểm trở, đi lại khó khăn, rất thưa dân và trình độ phát triển kinh tế thuộc loại thấp nhất so với các vùng trong cả nước, tương tự như Tây Nguyên