Hướng dẫn trả lời một số câu hỏi về 7 vùng kinh tế ở nước ta Chủ đề: Duyên hải Nam Trung Bộ
Câu 1. Trình bày những thế mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp và khả năng khai thác chúng ở vùng duyên hải miền Trung a. Thế mạnh về lâm nghiệp: - Rừng ở vùng duyên hải miền Trung còn tương đối nhiều, đứng thứ hai toàn quốc sau Tây Nguyên tính về diện tích và trữ lượng. Độ che phủ khoảng 34%. - Rừng giàu tập trung chủ yếu ở sâu giáp biên giới Việt Lào và ở sườn cao nguyên. - Trong rừng có nhiều loại gỗ quý (táu, sim, dến, kiền, săng lẻ, lát hoa, trầm hương…), nhiều lâm sản, chim thú có giá trị. b. Thế mạnh về nông nghiệp: - Các đồng bằng Duyên hải miền Trung phân bố thành một chuỗi dọc chân dãy Trường Sơn, hình cánh cung. Đa số đồng bằng có diện tích nhỏ. Rộng nhất là đồng bằng Thanh Hoá và hẹp nhất là đồng bằng Phan Rang. + Đối với nông nghiệp, đồng bằng Thanh hoá có giá trị hơn cả. Đây là đồng bằng mang tính chất chuyển tiếp từ một châu thổ rộng lớn (đồng bằng châu thổ sông Hồng) sang các đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp (bắt đầu từ Nghệ Tĩnh). Đất đai tương đối màu mỡ do phù sa sông Mã và sông Chu bồi đắp, có nhiều khả năng phát triển nông nghiệp. + Các đồng bằng còn lại tương đối nhỏ hẹp (đồng bằng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nam Ngãi Định, Phú Yên – Khánh Hoà, Ninh Thuận – Bình Thuận) có ý nghĩa địa phương. - Vùng đối núi có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc (chủ yếu là bò). Ngoài ra còn có một số vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm. c. Thế mạnh về ngư nghiệp: - Nguồn tôm, cá và các hải sản khác tương đối phong phú. Đặc biệt là vùng biển cực Nam Trung Bộ với những bãi tôm cá lớn. Công nghiệp chế biến cá biển, hải sản tương đối phát triển (vd: nước mắm Phan Thiết). - Bờ biển có nhiều vũng, đầm, phá (đặc biệt là khu vực duyên hải Thừa Thiên Huế) thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. *Khả năng khai thác. a. Rừng là một thế mạnh của Duyên hải miền Trung. Cần kết hợp việc khai thác hợp lý với việc bảo vệ rừng. - Kết hợp khâu chế biến gỗ, lâm sản với các cơ sở chế biến chính ở Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn với việc tu bổ và trồng rừng. - Trồng rừng ven biển để chắn gió, bão và ngăn không cho cồn cát ven biển lấn sâu vào làng mạc, ruộng đồng. b. Phát huy thế mạnh về nông nghiệp bằng việc khai thác tổng hợp các vùng trung du và đồng bằng ven biển. - Khai thác các đồng bằng để sản xuất lương thực trong kiện có thể. - Trong quá trình khai thác, cần chú ý đến đặc điểm của từng địa phương do sự đa dạng và phức tạp của các đồng bằng. - Khai thác các đồng bằng trên quan điểm tổng hợp, gắn chúng với vùng trung du, miền núi phía Tây và vùng biển, thềm lục địa ở phía Đông. c. Đầu tư khai thác hơn nữa những thế mạnh về biển của vùng. - Đẩy mạnh việc đánh bắt cá, chế biến hải sản. - Khai thác có hiệu quả vùng đấm phá. Câu 2. Phân tích những thế mạnh và hạn chế của các đồng bằng duyên hải miền Trung 1. Thế mạnh của các đồng bằng duyên hải miền Trung. a. Về tự nhiên. - So với đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long các thế mạnh về tự nhiên của các đồng bằng này thua kém hơn nhiều. - Tuy nhiên, ở đây vẫn nổi lên một số thế mạnh (tương đối): + Phân bố thành một chuỗi dọc chân Trường Sơn Đồng, dạng cánh cung, diện tích không lớn (rộng nhất là đồng bằng Thanh Hoá, hẹp nhất là đồng bằng Phan Rang). + Sông ngòi dày đặc, tuy ngắn và dốc. Có một số sông lớn tạo nên các đồng bằng tương đối màu mỡ như sông Cả, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Đà Rằng. Đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho nông nghiệp. + Đất màu mỡ nhất là phù sa mới, dọc các sông. Đôi nơi có đất đỏ do đá badan tạo ra (khu vực sông Cầu). + Tài nguyên biển phong phú. + Tài nguyên khoáng sản đa dạng. b. Về kinh tế - xã hội. - Giao thông thuận tiện: + Đường số 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua tất cả các đồng bằng. + Các quyến đường ngang nối với quốc lộ 1. - Mạng lưới đô thị tập trung dọc duyên hải. + Có các thành phố và trung tâm công nghiệp lớn (Thanh Hoá, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang…). c. Mỗi đồng bằng lại có những thế mạnh riêng: - Đồng bằng Thanh Hoá: Rộng, tương đối màu mỡ, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp. - Đồng bằng Nghệ Tĩnh: Phì nhiêu hơn cả là đồng bằng châu thổ sông Cả, dân cư tương đối đông đúc. - Đồng bằng Bình Trị Thiên: Rộng nhất là đồng bằng Thừa Thiên. Dọc bờ biển có nhiều đầm phá. Có thành phố Huế và bãi biển Thuận An là nơi thu hút nhiều khách du lịch. - Đồng bằng Nam – Ngãi - Định: Khả năng phát triển du lịch. - Đồng bằng Phú Yên – Khánh Hoà: Tương đối màu mỡ, có điều kiện để phát triển du lịch biển. - Đồng bằng Ninh Thuận – Bình Thuận: Có thể phát tiển trồng bông, thuốc lá, cây ăn quả. 2. Hạn chế của các đồng bằng duyên hải miền Trung. - Bão lụt do các cơn bão gây ra. - Khô hạn, nhất là từ Nha Trang đến Phan Rang. - Nạn cát bay phổ biến dọc duyên hải. - Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thấp kém ở nhiều nơi Câu 3. Tại sao việc hình thành cơ cấu công nghiệp ở vùng duyên hải miền Trung lại phải gắn liền với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật? Hãy nêu phương hướng giải quyết. 1. Duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và là vùng có tài nguyên khoáng sản phong phú. - Mỏ sắt chiếm 60% trữ lượng cả nước, lớn nhất là mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh). - Mỏ Crômít chiếm 100% trữ lượng cả nước, tập trung ở Cổ Định (Thanh Hoá). - Mỏ thiếc chiếm 60% trữ lượng cả nước, lớn nhất là mỏ Quỳ Hợp (Nghệ An). - Ngoài ra còn có Mangan ở Nghệ An, Titan ở Phú Bài (Huế), vàng ở Quảng Nam. - Khoáng sản phi kim koại đáng kể là các mỏ đá quý ở Quỳ Hợp, Quế Phong (Nghệ An), đá vôi chiếm gần 50% trữ lượng toàn quốc, có nhiều ở Nghệ An, Thanh Hoá. Đất sét trắng ở Quảng Bình, cát thuỷ tinh ở Khánh Hoà. 2. Thực trạng công nghiệp lại chưa phát triển. Hiện tại toàn vùng chỉ có một số ngành công nghiệp, phần lớn là các xí nghiệp vừa và nhỏ. Xí nghiệp công nghiệp hiện đại nhất là nhà máy xi măng Bỉm Sơn ở Thanh Hoá. Các cơ sở khác còn nhỏ chủ yếu là chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, cơ khí sửa chữa và lắp ráp. - Hiện nay đã có khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). 3. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn. Kết cấu cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu điện nghiêm trọng. - Tài nguyên lâm nghiệp, thuỷ sản còn nhiều, nhưng kỹ thuật khai thác còn hạn chế do thiếu phương tiện đánh bắt hiện đại. Cơ sở chế biến hải sản chưa phát triển manhk. - Chính vì thế khi hình thành cơ cấu công nghiệp phải chú ý đặc biệt đến cơ sở năng lượng và kết cấu hạ tầng. 4. Phương hướng. - Tăng cường cơ sở năng lượng cho toàn vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc sử dụng điện của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (qua đường dây siêu cao áp) và việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở Nam Trung Bộ là hết sức cần thiết. - Tăng cường, hiện đại hoá cơ sở kỹ thuật mới cho các ngành công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, dệt, chế biến thực phẩm. Hình thành cụm công nghiệp Thanh Hoá - Bỉm Sơn, trung tâm công nghiệp Vinh, Đà Nẵng. - Từng bước hiện đại hoá giao thông vận tải, thông tin liên lạc. Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, vì nó là huyết mạch giao thông đi qua tất cả các tỉnh, thành phố, thị xã… - Chú trọng các tuyến đường 7, 8, 9 có ý nghĩa quan trọng đối với việc giao lưu với nước bạn Lào.
|