SẼ CHO PHÉP TRƯỜNG ĐẠI HỌC DẠY TRỰC TUYẾN KẾT HỢP TRỰC TIẾP
Chia sẻ đến
Sinh viên nghỉ đến trường vì dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã chuyển sang dạy trực tuyến, dạy từ xa.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Bộ đang xây dựng quy chế cho phép đào tạo trực tuyến kết hợp đào tạo trực tiếp ở các trường.

Phải giải trình về chất lượng dạy trực tuyến

Nói về hoạt động của các trường ĐH trong đợt dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết để không bị gián đoạn công tác đào tạo trong mùa dịch, nhiều trường ĐH đã chủ động triển khai công tác đào tạo trực tuyến. Cụ thể là đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua bản quyền/chuyển giao công nghệ phần mềm quản lý học tập (LMS), quản lý nội dung học tập (LCMS), tập huấn giảng viên, số hóa học liệu… Các cơ sở giáo dục ĐH đều xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để tất cả giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý khai thác được các yếu tố tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập; linh hoạt được thời gian, không gian cho việc dạy và học mọi lúc, mọi nơi.

Theo báo cáo nhanh về tình hình các trường triển khai đào tạo từ xa về Bộ GD-ĐT, đến đầu tháng 4.2020, cả hệ thống giáo dục ĐH hiện có 98 trường đang tổ chức giảng dạy trực tuyến. Có thể chia thành 3 nhóm. Một là số ít các trường đã có kinh nghiệm triển khai về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến. Hai là nhóm các trường chưa có hệ thống LMS, nhưng bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy - học trực tuyến theo thời gian thực khá hiệu quả như: Zoom, Google Hangouts Meet, Webex, Micorsoft Team… Ba là nhóm các trường chưa triển khai, chưa sẵn sàng cho việc tổ chức đào tạo trực tuyến đối với sinh viên chính quy, mới chỉ ở diện cung cấp tài liệu sinh viên tự học.

Những khó khăn khi học trực tuyến 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, khó khăn chung mà các cơ sở giáo dục ĐH đang phải đối mặt hiện nay là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ và đồng bộ; Thiếu học liệu phù hợp cho đào tạo trực tuyến; Thiếu kinh nghiệm quản lý và các quy trình quản lý phù hợp với đào tạo trực tuyến; Sinh viên, giảng viên mới được bắt đầu tiếp cận về phương pháp, cách thức đào tạo, học theo hình thức trực tuyến, cần có thời gian thích ứng với công nghệ, phương pháp…

Để kiểm soát việc đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa tại các trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Việc đào tạo trực tuyến thời điểm này có thể chấp nhận như biện pháp tình thế để phòng, chống dịch. Trước mắt, chúng tôi chưa đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, nhưng các trường phải có trách nhiệm thực hiện giải trình về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của các học phần dạy trực tuyến. Bộ đã ban hành Công văn 795/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo các trường căn cứ vào đặc điểm tình hình và yêu cầu chương trình đào tạo để lựa chọn dạy online đối với học phần phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo”.

Hướng dẫn chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp để khắc phục khó khăn do không thể tổ chức học tập trực tiếp, Bộ đã có những chỉ đạo liên quan đến việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp theo phương thức truyền thống đối với các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học sang phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.

Đồng thời, Bộ cũng ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức triển khai, xem xét, công nhận kết quả học tập, tín chỉ cho học sinh, sinh viên. Trước đó, để thúc đẩy đào tạo từ xa, trực tuyến cấp bằng ĐH, Bộ đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng và Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Những quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục ĐH triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ giảng viên để ứng dụng công nghệ thông tin triển khai các khóa học đào tạo từ xa qua mạng và có thể áp dụng cho chương trình đào tạo cấp văn bằng theo hình thức đào tạo từ xa.

Theo Thứ trưởng Phúc, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH về công nghệ và hạ tầng, ngày 26.3, Bộ đã ký biên bản hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với Bộ Thông tin - Truyền thông, đồng thời ký cam kết với 4 doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin để hỗ trợ hiệu quả nhất cho các cơ sở giáo dục ĐH, trước mắt là tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng và giải pháp công nghệ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức đào tạo trực tuyến và xây dựng học liệu mở. Bộ cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, về phát triển đào tạo từ xa và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

“Hiện tại, Bộ đang xây dựng quy chế mới về đào tạo chính quy bậc ĐH liên quan việc dạy trực tuyến. Theo đó, Bộ sẽ bổ sung các quy định theo hướng mở rộng cho phép các khóa chính quy, vừa làm vừa học có thể đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo trực tiếp (gọi là blended learning). Đào tạo từ xa sẽ là một trong những phương thức đào tạo phổ biến trong thời gian tới của thế giới nói chung và VN nói riêng, chứ không phải chỉ là giải pháp tình thế để ứng phó với dịch Covid-19”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Đăng Nguyên
thanhnien.vn – 09/04/2020