Qua khảo sát bài làm của học sinh từ đầu năm đến nay khi hướng dẫn làm đề thi môn văn 2017 và trong các kỳ thi THPT quốc gia, có thể thấy học sinh còn mắc những lỗi phổ biến trong bài làm mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc yếu kỹ năng. Chú ý về câu đọc hiểu Ngoài thay đổi về thời gian làm bài, câu làm văn xã hội và văn học, đề thi THPT quốc gia môn văn 2017 còn có sự thay đổi cơ bản về câu hỏi đọc hiểu. Nắm chắc sự thay đổi này là rất cần thiết, vì khi cấu trúc đề, thang điểm và thời gian làm bài thay đổi thì các yêu cầu cụ thể trong phần đọc hiểu cũng thay đổi. Và dĩ nhiên yêu cầu đáp án chấm cũng khác. Chẳng hạn, với 8 câu hỏi cho 2 văn bản như trước đây thì đề có nhiều câu hỏi ở mức nhận biết đơn giản cho hầu hết học sinh (HS) làm được. Các câu hỏi này có thể chỉ có một ý trả lời với thang điểm nhỏ nhất 0,25 điểm. Nhưng năm nay khi thang điểm vẫn giữ nguyên mà giảm xuống 4 câu thì ở các câu hỏi này sẽ có yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhiều ý trả lời hơn. Nếu HS chỉ trả lời qua quýt hoặc theo cách chung chung mà không biết phân tích thành các ý nhỏ để trả lời cho rõ ràng thì sẽ dễ mất điểm. Quan sát đề thi minh họa và thử nghiệm thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT công bố vừa qua, chúng tôi thấy đã giảm đi nhiều câu hỏi nhận biết đơn giản, mà thay vào đó là nhiều câu hỏi khó hơn ở mức thông hiểu. Trong đó đáng chú ý là những câu hỏi có tính gợi mở (như "hiểu thế nào?", "vì sao tác giả cho rằng?", "thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất?", "điều tâm đắc nhất là gì?"...). Điều này đòi hỏi HS phải hiểu đúng văn bản và có cách trả lời hợp lý. Vì vậy, ngoài kiến thức về đọc hiểu văn bản nói chung, HS cần chú ý thêm cách trả lời các câu hỏi mở này. Do đề không giới hạn độ dài, cũng không yêu cầu cụ thể bao nhiêu ý nên HS dễ rơi vào các lỗi làm bài sau: trả lời sơ sài không đáp ứng được yêu cầu; lan man dài dòng, mất thời gian không cần thiết; không phân biệt được phải trả lời theo gạch đầu dòng cho cụ thể, rõ ràng hay viết thành đoạn văn ngắn theo các thao tác triển khai hợp lý như thế nào?... Lỗi về kỹ năng làm bài Do vội vã khi làm bài nên HS thường thiếu kỹ năng phân tích đề. Thao tác phân tích đề rất quan trọng, nó giúp ta có cái nhìn tổng thể và có hướng làm bài hiệu quả. Để khắc phục, cần chú ý đến các điểm sau: Phân tích số câu hỏi, các vế của câu hỏi, sự liên quan giữa các câu hỏi và các vế của câu hỏi. Đề có phần lựa chọn để trả lời hay bắt buộc, phải trả lời thành các ý gạch đầu dòng hay một đoạn văn. Đề yêu cầu đóng về kiến thức hay phải làm bài theo hướng mở, có yêu cầu quan hệ so sánh, liên hệ như thế nào, tác phẩm nào... Tất cả các yêu cầu phân tích đề trên đều có trong 3 câu hỏi: đọc hiểu (3 điểm), viết đoạn văn (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm) của đề thi. HS thường xác định sai trọng tâm vấn đề cần nghị luận. Lỗi này chủ yếu rơi vào câu hỏi viết đoạn văn do hiểu sai văn bản, hiểu sai nội dung vấn đề yêu cầu ở câu nghị luận xã hội. Cái khó ở câu hỏi này ở chỗ cách ra đề vô cùng phong phú và đa dạng. Từ văn bản đọc hiểu, trích dẫn vài câu của văn bản đến một ý kiến liên quan đến nội dung văn bản… mà đề yêu cầu viết đoạn văn. Nếu HS hiểu sai, xác định sai vấn đề thì bài làm sẽ lạc đề. Không chịu lập dàn ý trước khi viết Theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết HS khi làm bài câu nghị luận văn học (5 điểm) thường không lập dàn ý. Đây là thao tác cần có để dự kiến viết theo hướng nào, xây dựng những luận điểm, luận cứ nào, vừa giúp HS dễ dàng thêm, bớt ý trong quá trình làm bài cũng như làm chủ thời gian khi viết. Do không có dàn ý nên bài làm của HS dễ bị chắp vá, thiếu hợp lý về bố cục, mất cân xứng giữa các phần. Trong khi đó, theo đề thi minh họa của Bộ thì câu hỏi này có sự lồng ghép nhiều yêu cầu, nhiều mức kiến thức khác nhau trong một bài làm. Cho nên không thể không có một dàn ý trước khi viết. Ngoài ra, HS phải chú ý đến những yêu cầu của đáp án chấm để lường trước những lỗi sai mà mình nên tránh. Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM) Nguồn: thanhnien.vn – 27/03/2017
|