Ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Câu hỏi đề thi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về thí nghiệm, thực hành, dù chưa nhiều. Yêu cầu từ đề thi sẽ tác động trở lại việc dạy học; câu hỏi định hướng thí nghiệm, thực hành nhằm dần “bám” vào chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới tới đây. Những câu hỏi khó trong bài thi Khoa học tự nhiên sẽ là khó về bản chất, hiện tượng vật lý, hiện tượng hóa học chứ không phải phức tạp về tính toán. Riêng với môn Toán, đề thi bắt đầu xuất hiện câu hỏi về lý thuyết toán, nhằm hướng học sinh không học kiểu giải toán mà yêu cầu hiểu bản chất; lộ trình dần đánh giá thực sự năng lực toán học của học sinh. Trước một số ý kiến cho rằng đề thi tham khảo năm nay phần phân hóa quá khó, ông Sái Công Hồng cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể sử dụng dữ liệu xét tuyển vào ĐH, CĐ, nên đề thi phải bám vào 2 mục đích này. Cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi với khoảng 60% kiến thức cơ bản và khoảng 40% là phần nâng cao để phân loại. Riêng nội dung được mở rộng, đó là thêm kiến thức lớp 11 (khoảng 20% trong đề thi). Như vậy chủ yếu vẫn là lớp 12. Hiện nay, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Bộ đề thi tham khảo cũng đã công bố, làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi. Cho biết Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện để có đề thi sát thực hơn với học sinh, ông Sái Công Hồng lưu ý: câu hỏi trong đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, càng về cuối, độ phân hóa càng cao hơn; do đó thí sinh nên làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi. Ngoài ra, với 60% kiến thức cơ bản, nếu thí sinh mải luyện thi để làm câu khó sẽ thực sự lãng phí, không hiệu quả. Hiếu Nguyễn Nguồn: giaoducthoidai.vn – 28/04/2018
|