TỔNG HỢP CÁC CHUYÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Chia sẻ đến
Rất nhiều bạn cảm thấy thích thú với những sản phẩm công nghệ mới trong thời đại ngày nay và ấp ủ ước mơ trở thành chuyên gia về Công nghệ Thông tin. Thế nhưng, bạn có biết Công nghệ Thông tin gồm nhiều mảng với nhiều ngành khác nhau và mỗi chuyên ngành có khối kiến thức đặc trưng, điểm thú vị riêng và liên quan đến các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau?


Ngành Công nghệ thông tin có rất nhiều hướng nghiên cứu, hướng làm việc chuyên sâu, có thể kể đến những chuyên ngành như: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, truyền thông và mạng máy tính, đồ họa…. Cử nhân/Kỹ sư ngành CNTT có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng, hàng không, bưu điện, quốc phòng, các công ty phát triển và thiết kế phần mềm.

Khoa học máy tính (Computer science)

Người nghiên cứu khoa học máy tính là các nhà khoa học. Họ tập trung vào lý thuyết ứng dụng tính toán. Điều đó có nghĩa là họ trả lời được câu hỏi “vì sao” đằng sau các chương trình máy tính. Sử dụng thuật toán, cấu trúc dữ liệu và toán cao cấp, các nhà khoa học máy tính phát minh ra những cách thức mới để thao tác và truyền tải thông tin. Họ thường quan tâm đến phần mềm, hệ điều hành và việc triển khai.


Các nhà khoa học máy tính có thể thấy và hiểu được mã máy. Sinh viên ngành khoa học máy tính sẽ học nguyên tắc cơ bản của các ngôn ngữ lập trình khác nhau, đại số tuyến tính và rời rạc, thiết kế và phát triển phần mềm.

Tóm lại, các nhà khoa học máy tính có thể nói chuyện với máy tính. Chuyên ngành này dựa trên toán học – ngôn ngữ của máy tính. Những người theo đuổi ngành này sẽ hiểu tại sao máy tính hoạt động và có thể tạo ra một chương trình hoặc hệ điều hành với những tính năng như ý muốn.

Nghề nghiệp trong ngành khoa học máy tính

Khoa học máy tính là một chuyên ngành phát triển nhanh chóng và được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội việc làm với mức lương cao. Nếu bạn đang theo đuổi một bằng khoa học máy tính, dưới đây là một số công việc tiềm năng:

Lập trình viên phát triển ứng dụng (Applications software developer): Áp dụng tư duy sáng tạo vào các ứng dụng và chương trình, nhà phát triển phần mềm thiết kế và xây dựng các chương trình, ứng dụng cho máy tính và thiết bị công nghệ. Ví dụ, Angry Birds hay Microsoft Office đều do các nhà phát triển phần mềm làm ra.
Kỹ sư hệ thống (Systems engineer): Các kỹ sư hệ thống thiết kế và tạo ra các loại hệ thống này để sử dụng cho máy tính cá nhân, điện thoại và thậm chí cả xe hơi. Hệ điều hành cung cấp nền tảng cho máy tính và thiết bị hoạt động. Microsoft Windows, Linux và iOS là các ví dụ về các loại hệ điều hành.
Phát triển web (Web developer): Các nhà phát triển web không phải là nhà thiết kế đồ họa. Các nhà thiết kế đồ họa tạo ra những hình ảnh bạn thấy trên các trang web; nhà phát triển web lập trình mã tạo nên chức năng trang web. Các nhà phát triển web tích hợp đồ họa, âm thanh và video vào trang web và theo dõi lưu lượng truy cập, hiệu suất cũng như khả năng của trang web.

Công nghệ thông tin (Information technology)

Công nghệ thông tin cũng có thể gọi là hệ thống thông tin (information systems) hoặc quản lý hệ thống (systems administration). Về cơ bản, các chuyên gia công nghệ thông tin là những người sử dụng công nghệ. Công nghệ thông tin sử dụng các hệ điều hành, phần mềm và ứng dụng có cùng nhau để tạo ra một hệ thống lớn hơn giải quyết một vấn đề cụ thể. Công nghệ thông tin xây dựng một mạng lưới từ các khối đã được thiết lập để thực hiện một nhiệm vụ, như dịch vụ đặt hàng nguồn cung cấp tự động.

Do tính chất của công việc, các chuyên gia công nghệ thông tin có xu hướng tương tác với khách hàng và đồng nghiệp bên ngoài phòng ban của họ. Họ có thể giải thích cho khách hàng cách giải quyết các vấn đề công nghệ hoặc làm việc với chủ doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch công nghệ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của họ.

Sinh viên công nghệ thông tin sẽ nghiên cứu mạng và thiết kế cơ sở dữ liệu theo chiều sâu, và thu nhận các lý thuyết toán cơ bản và toán cao cấp. 

Nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin:

Ở mọi cấp độ, từ các cửa hàng theo chuỗi đến các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đều cần công nghệ thông tin. Trong thập kỷ tới, cơ hội nghề nghiệp trong ngành này được dự đoán ​​sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình. Tùy thuộc vào trình độ học vấn của bạn, bằng cấp về công nghệ thông tin có thể đem đến một thu nhập vừa ý. Dưới đây là một số vị trí phổ biến:

Nhà phân tích bảo mật thông tin (Information security analyst): Họ làm việc để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng bằng cách theo dõi mạng lưới kinh doanh để tìm ra vi phạm, các điểm yếu và tạo ra kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp bị tấn công.

Chuyên gia hỗ trợ máy tính (Computer support specialist): Họ cung cấp lời khuyên và trợ giúp khắc phục sự cố cho cá nhân và doanh nghiệp có câu hỏi về phần mềm của họ.
Quản trị viên cơ sở dữ liệu (Database administrator): Họ sử dụng phần mềm và các chương trình để tổ chức và lưu trữ thông tin cho mọi doanh nghiệp từ doanh nghiệp tài chính đến các công ty vận chuyển.
Quản trị viên hệ thống (Systems administrator): Họ thực hiện việc bảo trì và vận hành hàng ngày của mạng doanh nghiệp, gồm mạng LAN, WAN, mạng nội bộ và các hệ thống liên lạc khác.
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Đến với ngành học này, bạn sẽ hiểu và làm chủ được những công nghệ mạng phổ biến như thư tín điện tử, truyền tải tập tin, truyền thông thông tin, hay những công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, tính toán lưới, tính toán di động, xây dựng và vận hành data center, an toàn và bảo mật thông tin.

Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu: 

là một ngành phù hợp cho những bạn ham thích khám phá công nghệ, giao tiếp với nhiều người trên khắp hành tinh mà chỉ cần thông qua chiếc máy tính có kết nối mạng. Đồng thời, với những hiểu biết về mạng máy tính, các bạn có thể xây dựng được cho mình một không gian chuyên môn của mình trên Internet.

Nghề nghiệp trong ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Tốt nghiệp kỹ sư ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu các bạn có thể làm việc ở hầu hết các đơn vị trong và ngoài nước có sử dụng máy tính kết nối mạng với mức lương hấp dẫn ở các vị trí như:

Chuyên viên quản trị mạng và hệ thống tại các ngân hàng, các trung tâm dữ liệu, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)
Chuyên viên thiết kế mạng chuyên nghiệp: xây dựng các mạng máy tính an toàn, hiệu quả cho các đơn vị có yêu cầu
Chuyên viên phát triển phần mềm mạng
Chuyên viên phát triển ứng dụng trên di động và mạng không dây
Chuyên viên xây dựng và phát triển các ứng dụng truyền thông: VoIP, hội nghị truyền hình

Kĩ thuật máy tính (Computer Engineering)

Kỹ sư máy tính chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và phát triển các linh kiện của máy tính.  Ví dụ như mạch máy tính, chíp điện tử, thiết bị định tuyến… Sinh viên ngành kỹ thuật máy tính học các môn về khoa học máy tính, kỹ thuật và toán học. Sinh viên ngành kỹ thuật máy tính có thể giải quyết các vấn đề của phần cứng của máy tính. Họ còn sáng tạo ra các loại máy móc có thể điều hành và các hệ thống siêu máy tính.


Kỹ sư máy tính phải giải quyết các vấn đề liên hợp giữa phần cứng và phần mềm máy tính. Do đó, họ rất cần thiết có kiến thức nền về khoa học máy tính. Họ phải thiết kế và xây dựng các bộ xử lý và các bộ phận của máy tính để hỗ trợ cho hoạt động của phần mềm máy tính.

Nghề nghiệp trong ngành Kĩ thuật máy tính

Lập trình viên, đặc biệt là lập trình các phần mềm nhúng trên các thiết bị di động (Smartphone, Tablet, iphone, ipad,… ), các vi xử lý-vi điều khiển trong các hệ thống công nghiệp, xe ô tô, điện gia dụng, ngôi nhà thông minh,…
Kỹ sư thiết kế mạch điện – điện tử, mạch điều khiển trong công nghiệp, vi mạch, chip,…
Kỹ sư đảm nhiệm các công việc về công nghệ thông tin nói chung trong các cơ quan, doanh nghiệp chuyên và không chuyên về công nghệ thông tin
Làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu

Ngành kĩ thuật mạng

Sinh viên sẽ hiểu và vận dụng được kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, dịch vụ mạng, thực hành an ninh mạng, thiết kế mạng, mạng không dây; có khả năng thiết kế (quy mô vừa và nhỏ) hệ thống mạng; phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc quản trị mạng, an ninh mạng, đường kết nối, lưu trữ cơ sở dữ liệu, hệ thống backup thông tin.


Sau khi tốt nghiệp các bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm với các vị trí:

Chuyên viên Quản trị mạng
Chuyên viên An ninh mạng
Chuyên viên pentest hệ thống Công nghệ Thông tin.
Chuyên viên Tư vấn & Thiết kế các hệ thống mạng và hệ thống An toàn Thông tin
Giảng viên, nghiên cứu viên

Ngành công nghệ phần mềm

Trong thời đại công nghệ 4.0, đa số các lĩnh vực đều được tin học hóa vì thế ngành Công nghệ Phần mềm trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bạn có biết, các ứng dụng sử dụng trên điện thoại hoặc hệ thống máy tính đều là sản phẩm của ngành Công nghệ Phần mềm.

Về kĩ năng chuyên môn, sau khi tốt nghiệp, các bạn có khả năng xây dựng, chỉnh sửa và phát triển phần mềm dựa trên các công cụ lập trình; có thể phân tích, đánh giá yêu cầu dự án, đưa ra giải pháp tiếp cận công nghệ mới; biết áp dụng công cụ và thành phần phần mềm có sẵn để phát triển các dự án đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù của khách hàng theo từng lĩnh vực cụ thể; có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì và phát triển hệ thống thông tin cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp,…

Ứng viên ngành Công nghệ Phần mềm có thể tìm thấy cơ hội việc làm hấp dẫn với các vị trí:

Chuyên viên kiểm thử phần mềm
Chuyên viên phát triển phần mềm 
Chuyên viên thu thập và xử lý yêu cầu, tư vấn giải pháp cho khách hàng
Chuyên viên phân tích, thiết kế phần mềm
Chuyên viên quản lý sản phẩm phần mềm (Product Manager)
Chuyên viên triển khai phần mềm
Chuyên viên hỗ trợ phần mềm: an ninh, mạng, quản lý cấu hình, đảm bảo chất lượng (QA)
Chuyên viên quản lý, vận hành các hệ thống phần mềm của doanh nghiệp
Chuyên viên tư vấn tích hợp hệ thống
Chuyên viên tư vấn xây dựng hệ thống thông tin cho doanh nghiệp
Chuyên viên tư vấn, quản lý qui trình phát triển phần mềm
Ngành hệ thống thông tin quản lý

Ngành Hệ thống Thông tin Quản lý là ngành học kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và mạng truyền thông, nhằm thu thập, tạo và phân phối các dữ liệu thông tin trong tổ chức, doanh nghiệp. Công việc của ngành này là tập trung vào thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như biết cách làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.

Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên ngành này sẽ được đào tạo khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai, quản trị và kiểm soát các hệ thống thông tin quản lý; kiến thức về lý thuyết thống kê kinh tế,… nhằm cung cấp các căn cứ khoa học, đề xuất các phương án tối ưu trong công tác quản lý kinh tế xã hội và quản trị kinh doanh; có khả năng xử lý, phân tích và khai thác sử dụng dữ liệu lớn, khai phá dữ liệu, bảo mật dữ liệu và nâng cao tính an toàn của hệ thống, thống kê dự báo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị, ngân hàng… và hỗ trợ ra quyết định trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất, đầu tư, Marketing…

Các cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành Hệ thống Thông tin Quản lý:

Lập trình viên cơ sở dữ liệu
Quản trị viên hệ thống thông tin tại các cơ quan xí nghiệp
Tư vấn viên, thiết kế viên, lập trình viên phần mềm trong công ty phần mềm…
Nhân viên chuyên trách ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý và phân tích dữ liệu tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan nhà nước, trung tâm nghiên cứu
Nhân viên kiểm định nghiệp vụ, hỗ trợ, triển khai các dự án
Giám đốc công nghệ thông tin (CIO)
Giảng viên giảng dạy tại các trung tâm tin học hoặc nâng cao trình độ sau đại học để trở thành giảng viên hệ thống thông tin quản lý tại các trường cao đẳng, đại học.

Ngành Big Data & Machine Learning

Với số lượng người dùng internet ngày càng lớn đòi hỏi các chuyên gia công nghệ phải đưa ra các giải pháp xử lý nguồn dữ liệu lớn một cách hiệu quả nhất. Big Data đã mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu. Trên nền tảng dữ liệu thu thập và sở hữu, các doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh để mở rộng quy mô phát triển trong thời gian ngắn. Nhân lực làm việc trong lĩnh vực Big Data là những kỹ sư có kiến thức, am hiểu, nhạy bén có thể đảm bảo xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để sinh lời cho doanh nghiệp.


Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên ngành này được đào tạo các kĩ năng lập trình, sử dụng các phân tích dữ liệu và thao tác cho các mục đích tiếp thị,… hoặc các Nhà Khoa học Dữ liệu (Data Scientist) – những người có thể tích hợp Big Data vào cả bộ phận IT và các chức năng kinh doanh của công ty.

Các cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành Big Data & Machine Learning:

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm tất cả công việc của cử nhân Công nghệ Phần mềm và Hệ thống Thông tin trong các công ty phần mềm, các công ty thu thập và phân tích dữ liệu, các tập đoàn quảng cáo trực tuyến,… với cơ hội thăng tiến cao và môi trường làm việc tốt.

Ngành Thiết kế Đồ họa/Game/Multimedia

Đây là ngành của nghệ thuật ứng dụng, nghĩa là phải sử dụng công cụ, các phần mềm đồ họa một cách linh hoạt để biến ý tưởng sáng tạo của bản thân thành sản phẩm là những hình ảnh biết nói, truyền tải thông điệp một cách độc đáo, tạo ấn tượng với người xem. Rồi từ đó có thể thiết kế hình ảnh, nhân vật cho phim hoạt hình, game và tạo nên những sản phẩm đa phương tiện khác.

Để học tốt ngành này quan trọng là phải có khả năng sáng tạo. Về kĩ năng chuyên môn, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức về nghệ thuật cơ bản, phương pháp thiết kế, cách thức sử dụng công nghệ thông tin trong thiết kế đồ họa và các xu hướng phát triển đồ họa; có khả năng sử dụng các phần mềm đồ họa tiên tiến để thiết kế thương hiệu, website, game, phim, thiết kế ứng dụng trên di động; khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.

Cơ hội việc làm hấp dẫn cho ứng viên ngành Thiết kế Đồ họa:

Chuyên viên tư vấn, thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, tòa soạn, nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,…
Thiết kế tự do (freelancer).
Tư vấn – giảng dạy tại các trường học, trung tâm, câu lạc bộ về thiết kế đồ họa.