GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO TOÁN TIN
Chia sẻ đến

NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO TOÁN TIN

Sinh viên được trang bị kiến thức về cả hai mảng Tin học và Toán học ứng dụng, được rèn luyện tư duy logic, tư duy chiến lược, khả năng nhận thức, khả năng tổ chức và quản lý điều hành.

Về tin học, sinh viên được trang bị những kiến thức và kĩ năng thực hành để có thể đáp ứng được công việc của một kỹ sư phần mềm và lập trình viên.

Về toán học, sinh viên được trau dồi tư duy lôgic, được cung cấp các phương pháp, công cụ dùng để mô hình hóa và giải quyết các bài toán thực tiễn trong thống kê, phân tích, dự báo, mô phỏng,…

Với kiến thức toán ứng dụng, kỹ sư phần mềm tốt nghiệp ngành Toán-Tin có lợi thế khi xây dựng những chương trình máy tính mà bài toán thực tế đòi hỏi cao về mô hình toán học và giải thuật, ví dụ như: phân tích tài chính trong ngân hàng; quy hoạch/tối ưu mạng lưới trong viễn thông, trong giao thông; dự báo thị trường chứng khoán; dự báo lũ lụt; thẩm định đầu tư; thẩm định bảo hiểm; các hệ thống mô phỏng và tính toán khoa học,…

Với các công cụ toán học và kiến thức tin học được trang bị, sinh viên tốt nghiệp có được kiến thức toàn diện. Họ có thể làm chuyên gia tin học, chuyên gia toán học. Có những việc mà họ được ưu thế đặc biệt khi tuyển dụng như chuyên gia phân tích dự báo tài chính (quant), định phí bảo hiểm (actuary), chuyên gia quy hoạch, …

KIẾN THỨC/KĨ NĂNG ĐƯỢC TRANG BỊ

Có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Toán học, Toán học ứng dụng và Tin học để đáp ứng tốt các công việc đặc thù của liên ngành Toán-Tin và các ngành có liên quan:

  • Có khả năng mô tả, tính toán và mô phỏng quản lý các hệ thống, các quá trình công nghệ, xây dựng các phần mềm ứng dụng;
  • Có khả năng nghiên cứu, phân tích và đưa ra giải pháp cho một số vấn đề trong Kỹ thuật, Công nghiệp, Kinh tế, Tài chính, như bài toán tối ưu, dự báo, phân tích, thống kê, hỗ trợ ra quyết định,v.v...
  • Có khả năng thiết lập cơ sở lý thuyết của vấn đề, mô hình hóa Toán học, và tìm cách giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực đa dạng và luôn biến đổi của thực tế khoa học và đời sống kinh tế - xã hội.

CƠ HỘI VIỆC LÀM NGÀNH TOÁN TIN

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác trong nhiều ngành nghề có sử dụng kiến thức Toán học ứng dụng và Tin học, như:

  • Kỹ sư phần mềm
  • Lập trình viên
  • Chuyên viên nghiên cứu và phát triển (R&D)
  • Nhà phân tích hệ thống
  • Chuyên gia tin học
  • Chuyên viên phân tích, thống kê
  • Chuyên viên dự báo, quản trị rủi ro, thẩm định đầu tư, định phí bảo hiểm,...
  • Nhà toán học
  • Giảng viên đại học
  • ….

Kỹ sư/Cử nhân Toán–Tin có thể làm việc tại:

  • Các công ty, tập đoàn phần mềm;
  • Các viện nghiên cứu, các trường đại học;
  • Trung tâm Công nghệ thông tin, Phòng Tin học, Phòng Nghiên cứu khoa học, Phòng Thống kê, các đơn vị quản lý, … của:
    • Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tập đoàn tài chính;
    • Các tập đoàn bưu chính viễn thông;
    • Các cơ quan hành chính nhà nước;
    • Các nhà máy, xí nghiệp, các doanh nghiệp;…
  • Bộ phận thống kê phân tích, dự báo, quản trị rủi ro, thẩm định đầu tư, định phí ... tại các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, các doanh nghiệp,…;
  • Bộ phận nghiên cứu và ứng dụng toán trong giao thông, viễn thông, thủy lợi, nông nghiệp, công nghiệp, y tế,…

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và khoa học công nghệ, vai trò của toán học và khoa học máy tính cũng như nhu cầu nhân lực ngành Toán Tin ngày càng gia tăng.  Theo một nghiên cứu xếp hạng 200 công việc ở Mỹ  vào năm  2014 (xem http://www.careercast.com/jobs-rated/jobs-rated-2014-ranking-200-jobs-best-worst), một  số công việc có thu nhập cao và môi trường làm việc tốt đều liên quan đến Toán Tin. Cụ thể, ngành Toán đứng vị trí số một, Thống kê  đứng vị trí thứ ba, thứ tư là Kiểm toán, Kĩ sư công nghệ phần mềm xếp thứ bảy, Quản trị hệ thống máy tính đứng thứ tám.  Theo Jame R.Schatz, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), “Đây là thời điểm thích hợp nhất để các bạn trở thành nhà toán học”.