KHÚC CA ĐỒNG ĐỘI - THƠ
Chia sẻ đến
Mã số sách:11336
Giá: 25,000
Lượt xem: 485
sach hay
ĐẶT MUA

Giới thiệu về nội dung:

Lời Ngỏ

Sau ngày 26.09.1989 - ngày người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi Campuchia trở về Tổ Quốc, tôi may mắn có được ba lần trở về đất nước Ăngko - một lần bằng đường không và hai lần bằng đường bộ.

Từ trên máy bay nhìn xuống hay từ mặt đất nhìn ngang, ở đâu tôi cũng bắt gặp những hình ảnh thân thương, tưởng chừng như màu thịt. Những dòng sông con suối, những cánh rừng phum làng, những ngọn núi, cánh đồng - tất cả thật thân quen, thật gần gũi.

Sự xa cách về địa lý chính trị dường như không còn nữa khi tôi có dịp đi qua những phum làng một thời chưa xa tôi và đông đội đã có dịp đặt chân qua. Một thời tuổi trẻ chúng tối đã chen vai sát cánh cùng quân và dân Campuchia bảo vệ cuộc sống bình yên trong phấp phỏng chiến tranh và bất an rình rập. Một thời mà mỗi bước tiến công là những hy sinh mất mát, nhiều đớn đau lo âu.

Giờ đây có dịp trở lại những vùng đất của một thời trong khung cảnh hoà bình thật sự, bên cạnh người - còn - lại - may - mắn cùng gia đình, tôi mới cảm nhận đầy đủ giá trị của những năm tháng chiến đấu giữ nước từ xa và giúp bạn là tự giúp mình.

Mỗi chặng đường qua, mỗi ngày vừa tới trên hành trang trở lại tôi cảm nhận đầy đủ hơn tiếng gọi bạn bè. Trong mênh mông đồng lúa, trong nhộn nhịp phố thị, trong tĩnh lặng phum xa, trong uy nghiêm đền tích.. đâu đâu tôi cũng cảm nhận những ánh mắt trìu mến thân thương của những đồng đội đã khuất của mình.

"Khúc ca đồng đội" xuất bản lần này như một lời tri ân, như một niềm hồi tưởng dẫu có muộn màng. Chiến tranh biên giới Tây Nam đã bước vào kỷ niệm tuổi 30 mà gương mặt đồng đội ngày xưa qua điểm danh sao vẫn còn thiếu vắng. Xin bắt đầu chiến dịch mới - chiến dịch thăm lại chiến trường xưa - bằng khúc ca của những ngày gian khó. Hy vọng " Khúc Ca Đồng Đội " sẽ là món quà nhỏ trong hành trang trở lại nơi bắt đầu hoặc bắt đầu từ một nơi sẽ trở lại - Campuchia.

Đầu mùa mưa 2008
Tác giả

        ....Có những nhà thơ, có những nhà thơ muốn đi thong dong trong tay không cầm một thứ gì. Họ muốn đi tay không cho được rãnh tay. Hoặc bận tâm lắm thì cầm một cành hoa. Chúng ta ở vào một thời mà mọi người đều mang vác thì thơ sợ gì cái việc mang nhiệm vụ lên vai, mang tư tưởng vao long? Suy nghĩ cố nhiên không phải là đặt một tảng đá lên trán, lên đầu cho nó hoá khổng lồ. Phạm Sỹ Sáu đã nói về Tổ quốc, về nhân dân, về chủ nghĩa quốc tế. Về cái sống và cái chết không một chút nặng nề. Thơ tư tưởng chính là thơ đọc lên mà người ta nghĩ đấy chỉ là thơ, không cần nhấn mạnh đó là thơ tư tưởng...
 
                                                                                                                        Chế Lan Viên
                                                                                    (Lời giới thiệu tập thơ Khúc ca vào chiến dịch.
                                                                                            Báo Tuổi Trẻ & NXB Văn Nghệ, 1981)



            Thay mặt thế hệ chúng tôi, những đồng đội đã ngã xuống dưới bóng chiều Preach Vihear, dưới chân tượng Apsara nhạt nhòa rêu xám..., nhà thơ Phạm Sỹ Sáu vừa được Hội nhà văn của ba nước Đông Dương trao giải thưởng Sông Mê kông lần thứ 2.


Ba mươi năm trước trong đội quân tình nguyện Việt Nam đặt chân lên đất nước Chùa Tháp, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, các nhà thơ bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ như Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Văn Lê, Anh Ngọc, Trần Thế Tuyển, Ngân Vịnh... đã kịp thời có mặt để viết lên những khúc ca mới từ chiến trường mới.


Nhưng nếu ngày ấy không có những cậu tân binh non choẹt vừa rời ghế nhà trường bước vào cuộc chiến, trực tiếp cầm súng như Thành Nguyễn, Phạm Sỹ Sáu ở Quân khu 7; Lê Mạnh Tuấn, Huỳnh Kim ở Quân khu 9; Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn ở Quân khu 5... thì chắc chắn mảng thơ ra đời từ chiến trường Tây Nam sẽ kém đi sức sống chân thực. Bởi thế hệ chúng tôi đứng trong cuộc chiến, chứ không phải đứng ngoài quan sát, tìm chất liệu và cảm hứng để viết.


Thế hệ tân binh chúng tôi đem lại gì cho thơ? Có nên đặt câu hỏi ngoa ngôn như thế chăng? Thưa, nhà thơ Chế Lan Viên từng khẳng định: "Khi anh Sáu viết: "Trăng dựng trên đầu/Như theo ta vào chiến dịch/Và trận mưa cối địch/Khi vầng trăng còn lơ lửng ở sườn tây..." thì anh lính ấy là nhà thơ đem đến cho ta vầng trăng mới". Qua thơ, anh Sáu đã dựng lên hình ảnh mới về người lính trong cuộc chiến tranh Tây Nam.


Thế hệ chúng tôi nhập ngũ từ năm 1977, ngay sau khi đất nước vừa hòa bình được hai năm. Tâm trạng của người ra tiền tuyến trong thời điểm này khác với thời chống Mỹ, nói như anh Sáu, đó là những năm tháng "Đất nước mình: hòa bình và súng nổ". Hơn nữa, khi nhập ngũ chúng tôi đã được trang bị một ít kiến thức học ở nhà trường miền Nam, do đó, cái nhìn về chiến tranh cũng khác thế hệ trước... Theo tôi, đó là yếu tố thi vị hóa cuộc chiến, theo kiểu thư sinh hơn là chỉ thấy rặt một gam màu gian khổ. Điều này, ta có thể thấy rõ trong thơ Phạm Sỹ Sáu, tiêu biểu là bài Hành tráng sĩ mới. Anh viết: "Trận tiền chừ là nơi súng nổ/Cung kiếm chừ là khẩu A.K/Chung rượu chừ tráng sĩ không say/Lòng say con mắt ai/ Tráng sĩ lên đường hành trang trên lưng/Nặng gánh giang san lòng cứ bâng khuâng/Tráng sĩ chừ hề áo xanh nón cối/Ống tên không còn, cái bình đong lủng lẳng thắt lưng...".


Từ tập thơ Ra đi từ thành phố, Khúc ca vào chiến dịch đến Điểm danh đồng đội của Phạm Sỹ Sáu, ta thấy bàng bạc các địa danh, những trận đánh, những ngày luồn rừng tải lương, gánh đạn... cuồn cuộn chất liệu sống. Nếu không thật sự "dám sống" thì anh Sáu không thể viết một cách rất lính, rất đời như: "Chiều khô như cái bình tông/Không một giọt nước thấm trong cổ gầy"; "Khi chiếc lá trên cành cháy vàng rơi rụng/Lá lót nệm anh nằm là lá cũng mùa khô"...


Vào tháng 2.2009 tới, khi anh Sáu sang Campuchia nhận giải thưởng Sông Mê kông, thì Đoàn Tuấn và tôi cũng có mặt. Hành trang đem theo chỉ là tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc của tôi in chung với Tuấn và tập Khúc ca đồng đội vừa mới in của anh Sáu. Chúng tôi đem theo và đọc tại chiến trường cũ trong tâm thế mà mình từng tâm niệm: "Những câu thơ mặc áo lính/Đồng phục xanh màu lá rừng/Đến với những người ra trận/Như quàng khẩu súng sau lưng".

                                                                                                    Theo Lê Minh Quốc - Báo Thanh Niên
THÔNG TIN