Hôm
nay tôi vô tình đọc được thông báo ở Đoàn trường về cuộc thi “Quyển
sách làm thay đổi cuộc đời”. Trong giây phút đó, bất ngờ tôi chợt nhớ
về quyển sách mà tôi đã được đọc cách đây vài năm. Cho đến tận bây giờ,
những cảm xúc, những ước mơ, những hoài bão khi tôi được cẩm quyển sách
ấy vẫn là một kỉ niệm không thể phai trong cuộc đời tôi.
Đó
là những ngày cuối thu năm 2001, khi ấy tôi chỉ là cô bé 13 tuổi. Đây
là thời điểm tâm sinh lý tôi có rất nhiều sự thay đổi. Từ một cô bé
hiền lành, ngoan ngõan, tôi như muốn vươn mình ra thế giới rộng lớn
hơn, muốn tự do làm những điều mà mình yêu thích nên đôi khi tôi không
vâng lời, thậm chí hỗn xược với cha mẹ. Mẹ tôi rất buồn. Nhiều lúc tôi
cũng cảm thấy hối hận nhưng do bản chất “ngựa non háu đá” đã đẩy tôi ra
xa mẹ, đến nỗi tôi không thể nói với mẹ lời xin lỗi. Và rồi một hôm nọ,
khi vừa vào phòng, tôi thấy trên bàn học có quyển sách “Em phải đến
Harvard học kinh tế” của tác giả Lưu Vệ Hoa. Tôi vốn thích đọc sách từ
bé nhưng do môi trường học tập thay đổi, thói quen ấy dần dần mất đi.
Nay nhìn thấy quyển sách dày hơn 400 trang, thật tình tôi cũng chẳng có
gì là hứng thú. Tôi cất quyển sách vào tủ như một sự lãng quên…
Nhiều
lúc tôi tự đặt câu hỏi rằng: “Có phải do tôi kém thông minh nên không
theo kịp các bạn trên con đường học tập. Có người chỉ cần thầy giáo dạy
một lần là có thể hiểu bài nhưng tôi thì không được như vậy. Nếu đã là
do gen di truyền rồi thì có cố gắng cũng chỉ là con số không, thôi cứ
để mặc cho số phận”. Suy nghĩ ấy đã đi cùng tôi cho đến khi tôi đọc
được một câu trích trên quyển sách “Em phải đến Harvard học kinh tế”:
“Dù là đứa trẻ bình thường nhất, nếu biết cách giáo dục cũng có thể trở
thành người xuất chúng”. Tôi rất tò mò, và suốt đêm hôm đó, suốt những
ngày sau đó, tôi đọc ngấu nghiến quyển sách, đọc đến đâu, tâm của tôi
như mở ra chừng ấy, và tôi bắt đầu hiểu được tấm lòng của người mẹ dấu
yêu.
Quyển
sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” như một tập hồi kí của tác giả
Lưu Vệ Hoa kể về việc nuôi dạy đứa con gái duy nhất của mình - Lưu Diệc
Đình – thành công trên con đường học vấn. Cô bé đã lần lượt đậu vào bốn
trường Đại học hàng đầu của nước Mỹ: Đại học Harvard, Đại học Columbia,
học viện Wellesley và học viện Holyoke. Với mức học bổng lên đến 30.000
USD mỗi năm, mức học bổng này đủ cho Lưu Diệc Đình học và sinh họat cho
đến khi tốt nghiệp ra trường.
“…Học
viện Wellesley là học viện nổi tiếng, từng đào tạo những nhân vật nổi
tiếng như phu nhân cựu Tổng Thống Mỹ Hillary Clinton, cựu ngọai trưởng
Mỹ Madeleine Korbel Albright. Hai trường Đại học Columbia và Học viện
Mount Holyoke cũng là những trường danh giá bậc nhất thế giới, hàng năm
số học sinh dự thi vào các trường này rất đông, ngày cả học sinh Mỹ
cũng khó thi đỗ. Còn vào được Harvard thì đúng là kì tích…”.
Đọc
đến đây tôi thầm nghĩ rằng: “Chắc cô bé Diệc Đình cũng thuộc loại có
gen di truyền đây nên mới có thể làm vậy, chứ người bình thường thì
việc này còn “khó hơn lên trời”…”. Nhưng càng đọc tôi càng nhận thấy
suy nghĩ của mình thật ích kỷ. Diệc Đình cũng như bao trẻ sơ sinh bình
thường, thậm chí lúc mới sinh em còn mang nhiều bệnh tật, vậy mà nhờ
cách giáo dục gần gũi, khoa học của mẹ Vệ Hoa, tư duy của em ngày một
mở rộng. Đây là một trong những cách dạy con thật đáng khâm phục, đầy
triết lý nhưng cũng đậm tính nhân văn.
Quyển
sách là lời tâm sự đầy tình thương yêu của người mẹ dành cho con gái.
Đọc đến đâu là tôi lại càng hối hận và thương mẹ thật nhiều. Mẹ cũng
từng hy sinh sự nghiệp vì tôi. Khi tôi bệnh phải chích
thuốc, tôi la khóc và hờn trách mẹ tại sao phải dẫn tôi đến bác sĩ.
Nhưng lúc ấy mẹ ơi, con đâu biết rằng con đau một mà mẹ đau đến mười.
Đi học về nhìn mâm cơm chỉ có một món mặn, một món rau, con đâu biết
rằng mẹ phải tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, đạp xe gần chục cây số về
nhà, chỉ mong con có bữa cơm nóng, để được trò chuyện với con, để nghe
tiếng con cười. Tôi cố nhắm mắt thật chặt như để tự trốn mình nhưng sao
vẫn nghe vị mặn nơi khóe môi…
Từ
hôm đó, tôi bắt đầu quan sát mẹ, tôi muốn được gần gũi mẹ thật nhiều.
Trông thấy mẹ chuẩn bị làm cơm, tôi vo gạo giúp mẹ. Mẹ chuẩn bị giặt áo
quần, tôi ngồi cạnh bên, hai mẹ con cùng làm việc, cùng trò chuyện.
Ngay cả khi ăn cơm xong, tôi cũng giúp mẹ rửa chén để mẹ có thêm thời
gian nghỉ ngơi. Mẹ vui ra trông thấy và tình cảm hai mẹ con tôi cũng
lớn dần theo thời gian, ngày một thân thiết. Vậy mà…tôi đã vô tình đánh
mất thứ tình cảm ấy trong một thời gian dài, giờ nghĩ lại tôi vẫn không
thôi nuối tiếc.
Nhưng
có một chuyện tôi vẫn chưa làm mẹ vui lòng. Đó chính là sức học của tôi
so với các bạn cùng trang lứa. Từ nhỏ tôi vốn học rất tốt, từng giữ vị
trí đầu lớp suốt thời học tiểu học. Nhưng khi sang cấp trung học cơ sở,
tôi mải mê chơi cùng bạn bè, ham chơi hơn ham học, nay kiến thức đã bị
một lỗ hỏng khá lớn, khó có thể lấp đấy. Thế rồi tôi học cách của Đình
Nhi, tôi tập viết nhật ký để nâng cao trình độ môn văn học, mua thật
nhiều sách toán và làm bài tập bù lại cho những ngày lười biếng. Ngoài
ra, tôi còn tích cực đọc thêm các loại sách khoa học để bổ sung kiến
thức tự nhiên, các sách văn học nổi tiếng để bồi dưỡng cho tâm hồn.
Nhưng thật sự vất vả nhất đối với tôi và môn Anh văn. Do đã bỏ luyện
nghe nói từ lâu, nên đối với tôi nghe người nước ngoài đối thoại giống
như là “vịt nghe sấm”. Tôi rất buồn và đã tâm sự với mẹ. Mẹ nhẹ nhàng
giảng giải cho tôi biết tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng
Anh nói riêng. Mẹ nói rằng: “Có những người thông thạo đến ba, bốn
ngoại ngữ. Nói được nhiều thứ tiếng giúp chúng ta rất nhiều trong quá
trình ngoại giao, đàm phán sau này”. Thế là tôi lại học cách học ngoại
ngữ của Đình Nhi, tôi tích cực tham gia các club, tôi tình nguyện làm
hướng dẫn viên du lịch cho “Tây ba lô” để nâng cao khả năng nghe nói và
làm thật nhiều bài tập về ngữ pháp, văn phạm để luyện cho mình kỹ năng
viết. Chính vì phương pháp học tập có khoa học đó mà nhiều năm liền tôi
đã dần lấy lại được phong độ và chiếm những vị trí đầu lớp. Tôi tự tin
vượt qua kì thi tuyển sinh vào trường Hoa Sen –một trong những trường
có tỷ lệ chọi khá cao lúc bấy giờ - và đến giờ tôi vẫn áp dụng phương
pháp học ấy cho các môn học ở trường. Trong kì thi đáng giá chất lượng
ngẫu nhiên của 50 sinh viên bất kỳ môn Anh văn vừa qua, tôi đã được xếp
loại “Good”. Đây là điều mà các đây vài năm tôi vẫn không thể nào ngờ
tới.
Đó
là cách suy nghĩ và vận dụng đơn giản của cô bé 13 tuổi sau khi đọc
xong quyển sách “Em sẽ tới Harvard học kinh tế”. Với trí tuệ còn non
nớt nhưng quyển sách đã gieo cho tôi một niềm say mê thật sự, một nỗi
khát khao vươn lên. Đến bây giờ mẹ mới tâm sự với tôi rằng: “Lứa tuổi
dậy thì của con mà mẹ dùng những lời mắng chửi hay khuyên răn sách vở
thì sẽ dễ làm con và mẹ có khoảng cách (mẹ gọi đó là “khoảng cách giữa
hai thế hệ”). Mẹ muốn con tự rèn luyện lại thói quen đọc sách và tự
nhận ra những khuyết điểm và sửa sai. Nhận thấy khuyết điểm đã khó, sử
chữa sai lầm còn khó hơn. Nhưng nếu con làm được những điều đó thì năng
lực của con không tồi phải không?”. Đây là quyển sách ảnh hưởng rất lớn
đến suy nghĩ của tôi, nhận thức của tôi và cả cuộc đời tôi. Nếu ngày
xưa tôi cứ mãi rong chơi, đổ thừa cho số phận thì ngày hôm nay tôi đã
trở thành người thừa của xã hội, chẳng có đóng góp gì cho Tổ quốc thân
yêu.
Tôi
của ngày hôm nay đã khác, tất nhiên nhận thức cũng lớn dần lên. Tôi tìm
mua “Em phải đến Harvard học kinh tế” tặng cho một người bạn mà trong
kỳ thi tuyển sinh Đại học vừa qua “thành công của bạn bị trì hoãn”
(trong từ điển của giới trẻ chúng tôi ngày nay không có chữ thất bại).
Tôi rất vui mừng khi biết rằng quyển sách được sự yêu thích của đông
đảo bạn đọc và tác giả Lưu Vệ Hoa đã cho xuất bản thêm tập 2 kể về
những thành công của Diệc Đình khi học tập ở Harvard. Người bạn ấy rất
thích quyển sách và tôi cảm thấy rằng tâm trạng của bạn đã khá hơn từng
ngày. Bạn tự tin nói với tôi rằng chắc chắn năm nay tên bạn sẽ có trên
bảng vàng. Tôi thật sự chúc phúc cho bạn. Lúc đó tôi chợt nghĩ rằng giá
như mỗi người trẻ hôm nay đều sở hữu quyển sách này để được soi vào
từng trang sách để lớn lên từng ngày, để có động lực, để tự vạch cho
mình một ước mơ, một ý chí phấn đấu. Và rồi lại dùng chính quyển sách
kinh nghiệm này làm quà cho các thế hệ F2. Quyển sách là những lời
khuyên và phương pháp dạy con khoa học để con trẻ có thể phát triển
tòan diện cả sức lực và trí lực. Hy vọng ở một ngày không xa, Việt Nam
sẽ một lần nữa làm chấn động cả thế giới không phải vì có một, hai Lưu
Diệc Đình mà có rất nhiều, rất nhiều tấm gương vươn lên như cô bé.
Văn
hóa đọc của giới trẻ Việt ngày nay quả là vấn đề nan giải. Thật khó để
tập trung đọc hết hai trang sách đầy chữ, những loại truyện tranh Nhật
Bản hứng thú hơn nhiều. Nhưng nó làm cho con người lười suy nghĩ, chỉ
mải xem tranh và những từ ngữ đơn giản như “Á!”, “Ối”. Văn học viết
giúp con người dễ dàng tiếp cận với cái đẹp của ngôn ngữ, nhận thấy sự
phong phú trong cách hành văn, văn phong. Qua những dòng văn, dòng thơ,
cá tính như bộc lộ được phần nào, rèn luyện được lòng trắc ẩn trong mỗi
con người. Tôi học cách đọc sách của Lưu Diệc Đình, lúc đầu tôi đọc mục
lục để khái quát nội dung chính, những phần quan trọng của quyển sách.
Sau đó tôi đọc những phần in đậm, in nghiêng để nắm ý của từng bài,
từng chương. Và cuối cùng là đọc những phần còn lại, đó là cơ sở lý
luận cho tất cả các ý chính mà tôi đã ghi nhớ. Đối với người mới bắt
đầu đọc sách, chỉ nên đọc khoảng hai trang sách mỗi buổi, dần dần tăng
số trang lên. Và khi bạn đã có thói quen, niềm đam mê đọc sách thật sự
thì sở thích ấy có thể theo bạn cả đời. Đừng “tham công tiếc việc” mà
đọc thật nhiều trong lần đầu tiên, nó sẽ làm cho bạn có cảm giác mệt
mỏi và dần cảm thấy mất hứng thú, chán nản.
Tôi
vẫn xem “Em phải đến Harvard học kinh tế” là “quyển sách gối đầu
giường” của mình, là kim chỉ nam cho cuộc sống. Tôi đã đọc quyển sách
trên bốn lần và mỗi lần tôi lại “ngộ” ra những điều khác nhau. Những
điều mà tôi học tập được ngày một lớn dần theo độ tuổi và nhận thức của
tôi về cuộc sống. Và lần gần đây nhất, tôi đã nhận thấy rằng “thành
công không chờ đợi bất kì ai” nếu như tôi không dám đương đầu với thử
thách. Chính vì vậy tôi đã mạnh dạn viết bài gửi đến Ban tổ chức chỉ
với hy vọng chia sẻ đến các bạn thêm một quyển sách quý, quyển sách đã
làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi có một cái nhìn lạc quan hơn vào
cuộc sống. Biết đâu, quyển sách cũng làm nâng cao nhận thức của các
bạn. Hãy nhớ tìm cho mình một quyển để bổ sung kiến thức và cảm xúc cho
tâm hồn, “Em phải đến Harvard học kinh tế”, tác giả Lưu Vệ Hoa.
Lê Thị Cẩm Hà - Bài dự thi: “Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi” do SachHay – Đại học Hoa Sen tổ chức.